Khởi Nghiệp | StartupCâu chuyện khởi nghiệp

Mô hình khởi nghiệp độc đáo trên đất Tây Đô

Hàng nghìn con ếch đang đến kỳ xuất bán của anh Hồ Thanh Phong. Ảnh: TRƯỜNG SƠN
Hàng nghìn con ếch đang đến kỳ xuất bán của anh Hồ Thanh Phong. Ảnh: TRƯỜNG SƠN

Người thì nuôi ếch không dùng kháng sinh cấm, kết hợp cùng nuôi cá, mới 6 tháng đã kiếm hàng trăm triệu đồng. Người còn lại dù bị rớt đại học nhưng quyết tâm học hỏi rồi thành công với hệ thống ẩm thực, quán cà phê trị giá hàng tỉ đồng gắn liền với công tác xã hội.

Mới chỉ 2 nhân vật thôi nhưng cũng đã phần nào khắc họa lên được tinh thần làm việc vượt khó khởi nghiệp của thế hệ trẻ trên mảnh đất Tây Đô.

Nghỉ việc lương chục triệu về nhà khởi nghiệp cùng con ếch

Một ngày cuối tháng 7, chúng tôi đến xã Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ) để gặp anh Hồ Thanh Phong (SN 1990) nhằm tìm hiểu về mô hình ếch – cá mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có một sự tình cờ, người đầu tiên chúng tôi gặp ngay chân cây cầu dẫn vào ấp Thạnh Phước chính là anh Phong – người thanh niên có nụ cười hiền hậu và ánh mắt sáng.

Chào chúng tôi bằng nụ cười hiền và cái bắt tay siết chặt, Phong dẫn chúng tôi vào tham quan trại ếch của mình. Nằm dọc con đường lởm chởm đá dăm rộng chừng 2 mét là 2 hồ nuôi ếch mà Phong mượn đất của một người cậu. Trong hai hồ là hàng nghìn con ếch béo núc, chuẩn bị được Phong xuất bán. Cầm trên tay một chú ếch nặng chừng 300gram, Phong nói ếch mình nuôi không dùng những loại thuốc kháng sinh bị cấm, gặp con nước không bị ô nhiễm, chăm sóc khoa học nên lớn rất nhanh, khỏe mạnh, chừng 2 tháng rưỡi là đã có thể xuất bán được. “Hai hồ này em mượn đất của người cậu để nuôi. Hiện mỗi hồ rộng chừng 60m2, em thả với mật độ 150 con/m2 nên ước chừng tổng đàn ở đây chừng 9.000 con” – Phong cười mãn nguyện.

Sau khi được giới thiệu về hai hồ ếch ở nhà cậu, chúng tôi theo chân Phong vào 4 hồ khác nằm trên đất của gia đình anh. Ở đây, Phong đào 4 ao, nuôi cả ếch thịt lẫn ếch giống. Phong cho hay, trước đây Phong chỉ nuôi ếch thịt. Tuy nhiên, do thấy tốc độ sinh trưởng nhanh, ếch thịt đạt trọng lượng lớn nên Phong trích lại một số để nuôi làm ếch giống.

Nhờ thế mà sản phẩm của Phong cũng đa dạng, vừa bán được ếch thịt, vừa làm chủ được nguồn giống, đồng thời cung cấp được con giống cho nhiều địa phương khác, nâng cao được hiệu quả sử dụng đất, nhân công. Ngoài con ếch, Phong cũng tận dụng dòng kênh trước nhà để nuôi thêm cá tra, basa. Thức ăn cho cá ngoài loại tổng hợp còn là những phế phẩm trong quá trình nuôi ếch.

“Do em nuôi ếch không dùng kháng sinh bị cấm nên có một số ếch bị yếu. Nếu để lại thì sẽ chết, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Thay vì mang vứt đi, em xử lý rồi cho cá ăn, như vậy lợi cả đôi đường, vừa bảo vệ được môi trường nước cho cá – ếch sinh trưởng” – Phong thổ lộ.

Nói về cơ duyên với con ếch, Phong cho biết trước đây ba mình cũng là một nông dân giỏi, có thời gian nuôi ếch. Phần Phong, sau khi tốt nghiệp trường nông lâm có đi làm nhân viên kinh doanh cho một tập đoàn kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Thời gian đó, dù lương tầm 14-15 triệu đồng/tháng nhưng Phong vẫn không dư nhiều.

Quyết tâm thay đổi, Phong về nhà, tận dụng những kiến thức, kinh nghiệm cùng số vốn 200 triệu đồng, trong đó phần lớn là vay mượn gia đình, người thân mới có được để khởi nghiệp. Đối tượng Phong chọn là con ếch vì loài này dễ nuôi, phù hợp với con nước và khí hậu quê nhà. Nhờ biết áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm có được, lại có sự ủng hộ của gia đình, hàng xóm, mô hình nuôi ếch của Phong thành công nhanh chóng.

Từ đầu năm đến nay, Phong xuất bán được 2 lứa ếch thịt với 7 tấn, thu được hàng trăm triệu đồng. Ếch giống của Phong hiện đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ mang lại một nguồn thu quan trọng bên cạnh số cá mà Phong đang đầu tư.

Dù mới đạt được thành công bước đầu nhưng Phong vẫn ao ước được mở rộng qui mô, truyền đạt kinh nghiệm cho bà con xung quanh để biến quê hương mình thành vùng chuyên canh ếch, có vậy mới đủ sản lượng lớn bán ra thị trường, dần tạo nên một thương hiệu ếch có tiếng tăm ở Cần Thơ nói riêng, toàn ĐBSCL nói chung. 

Ông chủ trẻ Anh Vũ bên dãy võng dành riêng cho bà con chăm bệnh trong quán cà phê 500 đồng của mình. Ảnh: TRƯỜNG SƠN
Ông chủ trẻ Anh Vũ bên dãy võng dành riêng cho bà con chăm bệnh trong quán cà phê 500 đồng của mình. Ảnh: TRƯỜNG SƠN

Cách khởi nghiệp đầy nhân văn của ông chủ quán cà phê 500 đồng

Không có được tiền đề về chuyên môn như Phong, tuổi cũng trẻ hơn nhưng bằng con đường khởi nghiệp đầy nhân văn và tinh thần học hỏi không ngừng, Trần Lê Anh Vũ (SN 1993, ngụ quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) đã làm chủ một hệ thống cửa hàng ẩm thực, cà phê trị giá hàng tỉ đồng dù chưa có một ngày được làm sinh viên.

Tiếp chúng tôi trong quán cà phê rộng 500m2 nằm ngay trên đường Nguyễn Văn Linh (quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ), Vũ kể hành trình khởi nghiệp đầy gian nan nhưng cũng rất nhân văn của mình. Năm 18 tuổi, thi rớt đại học, Vũ rất chán nản bởi áp lực gia đình.

Không nghĩ rằng con đường phía trước của cuộc đời sẽ khép lại, Vũ xin vào làm việc cho một hệ thống bán đồ công nghệ lớn. Tuổi đời nhỏ, khuôn mặt non choẹt, Vũ gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ lanh lẹ, ham học hỏi nên Vũ được mọi người thương yêu, giúp đỡ.

Sau khi học được kha khá kinh nghiệm bán hàng, Vũ chủ động tạm biệt đồng nghiệp về làm việc cho công ty của một người thân. Thời gian này, Vũ xin làm quản lý nhân sự, học cách điều hành công ty. Khi cảm thấy mình đã cứng cỏi, chàng thanh niên năm đó mới chỉ 22 tuổi bắt đầu bước vào con đường khởi nghiệp.

Vốn liếng có được nhờ tích cóp những đồng lương trong quá trình đi làm, Vũ mở riêng cho mình một quán cà phê nhỏ, đồng thời vẫn tham gia điều hành 2 nhà hàng ẩm thực cùng người anh. Sau hơn 3 năm lăn lộn với công việc kinh doanh, đến tháng 6 năm nay, Vũ quyết tâm thuê mảnh đất rộng 500m2 của người bà con, đầu tư hơn 1 tỉ đồng vào quán “cà phê 500 đồng”.

“Em vừa muốn làm giàu nhưng cũng vừa muốn góp phần vào việc giúp đỡ các bạn sinh viên, bà con chăm bệnh nghèo nên mới nảy ra ý tưởng quán cà phê 500 đồng này. 500 đồng tính vào giá mỗi ly thức uống ở quán (trong thực đơn của quán, giá mỗi thức uống đều có số lẻ 500 đồng), em sẽ trích ra mỗi tháng.

70% trong số đó em sẽ dành để ủng hộ cho hoạt động của Hội Sinh viên TP Cần Thơ, 15% dùng để phát cơm cho các bệnh nhân và người nhà của họ trên địa bàn thành phố, 15% còn lại em dùng để mua báo in cho bà con đọc” – Vũ tâm sự.

Dẫn chúng tôi đi vòng quanh quán cà phê mà Vũ gọi là mình “làm liều”, vay mượn đủ nơi để dựng lên được mới thấy suy nghĩ khởi nghiệp nhân văn của chàng thanh niên Tây Đô này. Dù chi phí để thuê mặt bằng không hề rẻ nhưng Vũ vẫn dành một phòng lớn trên lầu cho các bạn sinh viên có nơi để học hành.

Ngoài việc được phục vụ nước uống với giá phải chăng, các bạn sinh viên sẽ có chỗ để nghỉ ngơi, thêm đèn led để bàn và chỗ nghỉ ngơi. Ngoài việc phục vụ mọi nhu cầu của các bạn sinh viên, Vũ còn làm 15 chiếc võng để bà con chăm sóc người nhà trong các bệnh viện gần đó có nơi nghỉ ngơi, ăn uống 24/24.

“Xung quanh quán em có 2 bệnh viện lớn, mỗi ngày có hàng trăm người nhà bệnh nhân phải kiếm chỗ ăn cơm, nghỉ ngơi qua đêm. Bình thường, để có chỗ ngủ, tắm rửa, bà con phải bỏ ra số tiền không nhỏ nếu thuê nhà trọ. Tuy nhiên, khi vào quán em, bà con chỉ cần gọi một ly nước tầm mười mấy nghìn đồng thôi là đã có chỗ nghỉ ngơi, tắm rửa, giặt giũ mà không phải mất thêm tiền. Ở đây em cũng mở cửa 24/24 để hễ bà con có nhu cầu lúc nào là được đáp ứng lúc đó” – Vũ chia sẻ.

Theo tiết lộ của Vũ thì hiện nay Vũ thuê khoảng 30 bạn sinh viên các trường đại học vào làm nhân viên. Nếu bạn nào ra trường rồi mà chưa có việc làm, Vũ sẽ hỗ trợ tối đa để an tâm làm việc tại quán, còn nếu bạn nào muốn làm bán thời gian thì Vũ cũng không ngại. Nhờ tinh thần khởi nghiệp nhân văn đó, mấy năm nay Vũ luôn là một trong những gương thanh niên tiêu biểu của TP. Cần Thơ. Những cơ sở kinh doanh của Vũ được Hội Sinh viên Cần Thơ chọn làm điểm để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho các bạn sinh viên.

Nói về ước mơ của mình, Vũ nói rằng mình sẽ cố gắng hết sức để duy trì mô hình kinh doanh vừa làm giàu cho bản thân, vừa giúp ích cho xã hội này. “Em chỉ mong nhiều bạn sinh viên, nhiều bà con là bệnh nhân, người thân đi chăm bệnh biết quán em nhiều hơn để có chỗ làm việc, nghỉ ngơi” – Vũ vừa nói vừa chỉ tay lên câu slogan “Gieo hành động nhỏ, gặt nhân cách lớn” in trang trọng trên biển hiệu của quán.

 
Trường Sơn
Đánh giá post

DMCA.com Protection Status
Back to top button