5 bài học khởi nghiệp kinh doanh mà trường đại học không dạy cho bạn
Không thể phủ nhận việc trường đại học dạy cho chúng ta rất nhiều thứ. Tuy nhiên, có những điều mà chỉ khi khởi nghiệp, bạn mới thấy khác xa so với những gì mình được học.
Mặc dù những gì bạn tích luỹ được từ trường đại học còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Chuyên ngành của bạn là gì, giáo viên dạy bạn là ai, bạn học của bạn là ai và bản thân ngôi trường mà bạn theo học. Song, nhìn chung, những điều bạn được dạy là không đủ và chưa hẳn đã phù hợp khi đối mặt với thực tế kinh doanh.
Từ những trải nghiệm thực tế khi được làm việc tại Morgan Stanley và Coca Cola, Sanna Vohra – người sáng lập kiêm CEO của The Wedding Brigade – đã chia sẻ 5 bài học khởi nghiệp kinh doanh mà tấm bằng cử nhân kinh tế đã không dạy cho cô ấy.
1. Cách thuê và quản lý nhân lực
Theo quan điểm của Sanna Vohra, quản trị nhân sự là công việc sở hữu tầm quan trọng không kém, hoặc thậm chí là có phần nhỉnh hơn so với quản lý công việc kinh doanh. Nếu như bạn tuyển dụng đúng người cũng như biết cách mang đến động lực và niềm vui cho đội ngũ nhân viên của mình, thì xác suất họ đóng góp đáng kể cho doanh nghiệp và giúp bạn hoàn thành mục tiêu kinh doanh là rất cao.
Một người làm kinh doanh không biết cách tuyển dụng và giữ chân người tài là một người làm kinh doanh thất bại. Song, trường đại học, đáng buồn thay, có thể sẽ không dạy cho bạn cách thức tuyển dụng nhân viên. Ví dụ, như làm cách nào để biết được ứng viên đó có phải là người sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp hay không; hoặc làm cách nào để biết ứng viên đó có phải thuộc tuýp người dám nghĩ dám làm hay không; hoặc thậm chí là cách viết một bảng mô tả công việc sao cho hợp lý.
Tất cả những điều kể trên, thông thường mà nói, chỉ được rèn giũa khi bạn đã bắt tay vào làm kinh doanh thực tế và ít nhiều trải qua vài lần va vấp. Ngoài ra, cách thức thúc đẩy người khác làm tốt công việc của họ cũng là điều mà không phải trường đại học nào cũng dạy cho bạn, song trên thực tế, bạn bắt buộc phải biết nếu muốn giữ chân nhân tài.
2. Thuật ngữ kinh doanh
Sanna Vohra cho biết, vào những ngày đầu thành lập của The Wedding Brigade, cô gần như “ngập ngụa” trong hàng đống từ viết tắt: MOA, AOA, IEC, COI, TDS, PF v.v.. Chúng đều là những thuật ngữ chuyên ngành để chỉ về các loại thuế và quy định áp dụng cho công ty của bạn, song chúng có thể không được dạy trong trường kinh tế.
“Giải pháp của tôi khi đó là tiến hành ngay một cuộc họp với kế toán và thư ký công ty”, Vohra cho biết.
3. Cách thức gọi vốn đầu tư
“Thu hút vốn đầu tư là sự kết hợp giữa nghệ thuật cùng khoa học, và ở giai đoạn đầu của khởi nghiệp, tôi cho rằng nó là nghệ thuật nhiều hơn khoa học”, Vohra nói.
Tôi không nói rằng việc am hiểu những kiến thức được dạy trong trường như phương pháp định giá dòng tiền chiết khấu v.v.. sẽ không giúp bạn thu hút nhà đầu tư. Chúng chắc chắn sẽ trở nên hữu ích trong tương lai. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu của khởi nghiệp, yếu tố giúp bạn thu hút được nhà đầu tư lại nằm toàn bộ trong việc pitching – trình bày ý tưởng kinh doanh.
Vì vậy, để thu hút được nhà đầu tư, việc bạn trình bày ý tưởng khởi nghiệp của mình càng mạch lạc và hấp dẫn bao nhiêu càng tốt. Để làm được như vậy, bạn cần thiết phải tìm câu trả lời cho những câu hỏi sau: Làm thế nào mà sản phẩm của bạn lại có thể mang đến giải pháp hoàn toàn khác hoặc chí ít cũng tốt hơn từ 5 – 10 lần so với giải pháp hiện tại trên thị trường? Kênh marketing cũng như phân phối của bạn là gì và chúng mang đến lợi thế ra sao? Đội ngũ nhân viên của bạn như thế nào? Và, làm thế nào để bạn nén tất cả thông tin trên vào 10 slide trình bày hoặc ít hơn mà vẫn súc tích? Vohra chia sẻ cô chưa thấy một lớp học nào dạy về kỹ năng trình bày PowerPoint trong trường kinh tế cả, dù nó thực sự rất hữu ích!
4. Kỹ năng lên kế hoạch trong khi có ít thông tin
Các tình huống kinh doanh được đem ra mổ xẻ, phân tích trong trường đại học thường chỉ xoay quanh những vấn đề mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi đã đi vào hoạt động ít nhất một vài năm (hoặc nhiều thập kỷ). Tuy nhiên, trong giai đoạn khởi nghiệp, các doanh nhân trẻ thường phải tự mình mò mẫm mà hầu như không có bất cứ thông tin nào.
Đơn cử như việc tính chi phí bỏ ra để có được một khách hàng mới hoặc mức lương dành cho trưởng bộ phận bán hàng. Nếu không có bất kỳ một thông tin nào thì 2 việc trên thôi cũng đã rất khó khăn. Và, chỉ một sự khác biệt nhỏ trong chi phí dự kiến so với chi phí thực tế không thôi cũng đã có thể giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp.
Nếu kỹ năng đưa ra quyết định hay giả định trong khi bản thân có rất ít dữ liệu được giảng dạy trong trường, thì chắc hẳn các doanh nhân trong giai đoạn khởi nghiệp đều sẽ hưởng lợi.
5. Phương pháp quản trị tinh thần và cảm xúc bản thân
Có lẽ, phương pháp quản trị tinh thần và tình cảm khi trở thành doanh nhân là một trong những chủ đề ít được đưa ra thảo luận nhất, dù đáng lý ra nó phải được nhắc đến nhiều nhất. Con đường trở thành doanh nhân là một con đường cực kỳ, cực kỳ chông gai, nhất là trong giai đoạn khởi nghiệp, khi mà thứ bạn thường phải đối mặt là sự từ chối hơn là sự vui mừng.
Để có thể truyền đồng lực cho cả đội và hướng tất cả tập trung vào mục tiêu của ngày hôm đó trong khi những thứ bạn mong muốn diễn ra lại không diễn tiến theo như ý mình, thực sự là một việc rất khó. Nó đòi hỏi ở người doanh nhân sự can đảm, niềm tin tất thắng và cả độ gan lỳ nữa. Việc tìm ra cách để giữ cho bản thân được bình tĩnh, cách để giúp bạn tập trung và xả stress là một kỹ năng không thể thiếu đối với một người doanh nhân.
(Nguồn: Entrepreneur)