Khởi Nghiệp | StartupTiêu điểmTin khởi nghiệpTin mới

Doanh nghiệp startup cần sớm lập sàn giao dịch vốn

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, báo cáo Thủ tướng trong năm 2020 – 2021.

Bước phát triển ấn tượng

Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia phát triển mạnh hệ sinh thái KNST. Theo Báo cáo đầu tư công nghệ Việt Nam 2019 do hai quỹ đầu tư mạo hiểm là ESP Capital và Cento Ventures thực hiện, chỉ trong vòng hai năm, Việt Nam từ hệ sinh thái khởi nghiệp ít hoạt động đã vươn lên top 3 cộng đồng khởi nghiệp mạnh nhất ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Báo cáo “Bức tranh KNST ở Việt Nam 2019” do Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia công bố cũng cho hay, Việt Nam đang đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng DN khởi nghiệp. Cụ thể, nếu năm 2012, Việt Nam chỉ có khoảng 400 công ty KNST, thì năm 2019 đã có hơn 3.000 DN.

Đáng chú ý, tổng nguồn vốn đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam trong năm 2019 lên đến hơn 800 triệu USD. Số vốn đầu tư cho các ý tưởng startup cũng đã tăng gấp 5 lần trong 7 năm gần đây. Cụ thể, năm 2012, các dự án startup công nghệ chỉ được đầu tư, hỗ trợ vốn khoảng 10.000USD, thì hiện đã tăng lên đến 50.000USD.

Cùng với đó, chất lượng startup của Việt Nam ngày càng tốt, vì thế, tỷ lệ đầu tư thành công cho các startup tại Vietnam Silicon Valley đạt khoảng 36-40%. Đây là tỷ lệ cao so với các nước trong khu vực. Nhiều startup Việt đã trở thành những startup triệu đô và nhận được sự chú ý của cộng đồng đầu tư thế giới.

Mặc dù vậy, theo phản ánh của cộng đồng KNST, hệ sinh thái KNST của nước ta còn tồn tại nhiều khó khăn, rào cản. Các hạn chế chủ yếu do môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi cho khởi nghiệp, quy định về điều kiện kinh doanh chưa phù hợp với yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chưa có hành lang pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ mới…

Doanh nghiệp startup cần sớm lập sàn giao dịch vốn
Doanh nghiệp startup cần sớm lập sàn giao dịch vốn

Nhà nước đóng vai trò đòn bẩy

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg yêu cầu tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Chỉ thị nêu rõ mặc dù Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ đã nêu việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp về cả số lượng, quy mô và chất lượng, đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo là một trong các giải pháp để thực hiện đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo phản ánh của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo (startup) đã cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của nước ta còn tồn tại nhiều khó khăn, rào cản, kém sức cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, yêu cầu các cơ quan đăng ký kinh doanh tại các địa phương hướng dẫn chi tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong việc đối chiếu, ghi nhận ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp chưa có trong các mã ngành kinh doanh theo quy định hiện hành vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Sửa đổi Luật đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài thành lập, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam; xây dựng dự thảo nghị định về cơ chế, chính sách ưu đãi và khuyến khích đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, trình cấp có thẩm quyền trong quý I/2020.

Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, vườn ươm công nghệ, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo công lập và ngoài công lập, thúc đẩy kết nối, hợp tác giữa các tổ chức với nhau, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2020.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, lựa chọn từ những đơn vị có tiềm năng về sáng tạo công nghệ và đã có khởi đầu tích cực, đúng hướng về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để hỗ trợ phát triển 3 trung tâm hỗ trợ về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại 3 trường đại học, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của ngành giáo dục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2020.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất giải pháp khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học, giải pháp kết nối các trường đại học với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; nghiên cứu, đề xuất giải pháp liên quan đến việc phát triển các doanh nghiệp trong các trường đại học, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo tại các trường đại học.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020 – 2021; chủ trì, hướng dẫn hạch toán kế toán cho doanh nghiệp có hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, công ty thực hiện quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2020.

Thủ tướng cũng giao các bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu, xây dựng thể chế cho các ngành, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng công nghệ mới, đã xuất hiện hoặc có tiềm năng xuất hiện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ. Ở các ngành có tiềm năng nhưng có mức độ ảnh hưởng cao tới kinh tế, xã hội như tài chính, ngân hàng, nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm (regulatory sandbox) để doanh nghiệp có thể phát triển và thí điểm sản phẩm, dịch vụ mới.

PV/ Khoinghiepsangtao.vn

Đánh giá post

DMCA.com Protection Status
Back to top button