Khởi nghiệp nuôi cá linh “trời cho” và trồng lúa bò theo nước lũ
Trên 10ha đất trồng 2 vụ lúa/năm, sau khi trừ chi phí, anh Nhân còn lời 250 triệu đồng. Khi chuyển qua khởi nghiệp nuôi cá linh, kết hợp nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa mùa, anh “bỏ túi” trên 1,5 tỷ đồng/năm.
- Covid-19 thúc đẩy thế hệ trẻ Đông Nam Á làm việc cho công ty khởi nghiệp
- Cô chủ 9X về quê khởi nghiệp mì ngô sau khi công ty “đóng băng” vì đại dịch
- “Bỏ túi” 10 điều để tự tin khởi nghiệp sau đại dịch Covid-19
Khởi nghiệp nuôi cá linh đã “ăn đứt” 2 vụ lúa…
Nông dân 9X Bùi Chí Nhân (25 tuổi, khóm 2, xã An Bình B, TP Hồ Ngự, Đồng Tháp) cho biết, thời gian qua dù áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật trên 10ha đất nông nghiệp nhưng lợi nhuận từ việc trồng 2 vụ lúa/năm chỉ kiếm lời khoảng 250 triệu đồng.
Việc trồng lúa như vậy, đất đai không ngơi nghỉ, bạc màu phải tăng lượng phân thuốc hóa học. Việc này, một mặt làm tăng chi phí đầu tư, mặt khác ảnh hưởng đến môi trường đất rất nhiều. Vì thế nhiều năm qua, anh Nhân luôn trăn trở muốn thay đổi phương thức trồng lúa theo kiểu thuận thiên.
Sang năm 2021, từ giới thiệu của Phòng Kinh tế TP Hồng Ngự về mô hình nuôi cá linh non trên đồng ruộng, kết hợp nuôi tôm càng xanh toàn đực và trồng lúa mùa theo hướng sinh thái, anh Nhân thích thú và quyết định thực hiện mô hình này hồi tháng 6/2021.
Theo anh Nhân, sau khi thuê máy đào ao lắng và bờ bao xung quanh mảnh đất, anh Nhân bơm nước vào ruộng và thả 5 triệu bột cá linh xuống nuôi. Trong thời gian này, anh Nhân mua 80 – 100kg tôm càng xanh thả bên ao lắng.
Sau khoảng một tháng, cá linh ăn những tạp chất trên đồng ruộng, to bằng đầu đũa không ăn; lúc này, anh Nhân hạ nước trong ruộng thu hoạch hơn 2 tấn cá linh non, bán với giá 130.000 đồng/kg, thu 260 triệu đồng. Theo anh Nhân, chỉ riêng tiền bán cá linh non đã “ăn đứt” 2 vụ lúa.
Sau khi thu hoạch cá linh xong (khoảng tháng 7), anh Nhân sạ lúa mùa (giống lúa sống tự nhiên và có đặc tính khi nước lũ dâng đến đâu, thân lúa mọc cao đến đó). Khi cây lúa được một tháng tuổi, anh Nhân bắt tôm từ ao nuôi thả vào ruộng. Tôm ăn tạp chất từ ruộng, lớn lên mà không cần thêm loại thức ăn nào.
Đến tháng 2/2022, anh Nhân thu hoạch lúa mùa và khoảng 5-6 tấn tôm càng xanh sinh thái. Nếu bán 5 tấn tôm với giá thấp nhất 150.000 đồng/kg, anh Nhân thu trên 750 triệu. Còn vụ lúa mùa năm nay do trồng thử nghiệm 3 loại giống, để chọn ra giống tốt nhất cho những vụ sau nên tỷ lệ lúa sinh trưởng và phát triển chưa đạt.
Mô hình thành công thu nhập 3,5 tỷ đồng
Ông Dương Phú Xuân – Trưởng phòng kinh tế TP Hồng Ngự cho biết, do vụ đầu tiên nên từ vụ sau sẽ điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Chẳng hạn vụ năm sau, từ tháng 2 xuống giống lúa tím (lúa chất lượng cao) kết hợp nuôi tôm càng xanh, đến tháng 5 thu hoạch, ước đạt 42 tấn lúa và 5 – 6 tấn tôm. Nếu bán lúa với giá 10.000 đồng/kg và tôm khoảng 120.000 đồng/kg, tổng nguồn thu khoảng 1,1 tỷ đồng.
Từ tháng 5 đến tháng 8, nuôi 2 vụ cá linh non, dự kiến thu hoạch khoảng 8 tấn cá, với giá trên 130.000 đồng/kg, là có thể thu một tỷ đồng. Sau đó gieo sạ lúa mùa và nuôi tôm càng xanh.
Đến tháng 2 của năm sau, dự kiến thu hoạch khoảng 20 tấn lúa mùa, 5-6 tấn tôm càng xanh. Nếu bán lúa với giá bán 16.000 đồng/kg, tôm 150.000 đồng/kg, thu trên một tỷ đồng.
Theo ông Xuân, kết thúc một vụ trồng lúa chất lượng cao với nuôi cá linh, tôm càng xanh “ôm” cây lúa mùa, lúa tím tổng thu nhập của anh Nhân trong vụ mùa năm sau trên 3,1 tỷ đồng. Tùy vào sản lượng lúa, cá linh, tôm và giá cả, nguồn thu có thể 3,5 tỷ đồng/năm.
Nếu trừ đi chi phí 50%, anh Nhân bỏ túi hơn 1,5 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, nếu anh Nhân chỉ chuyên trồng 2 vụ lúa trên diện tích 10ha đất gia đình như trước đây, anh chỉ kiếm lời 250 triệu đồng/năm.
Ông Dương Phú Xuân – Trưởng phòng kinh tế TP Hồng Ngự cho biết thêm, nguồn lợi thủy sản tự nhiên đã cạn kiệt, tuy nhiên khi nước lũ về “mầm sống” các loại thủy sản nhiều vô số kể. Người dân chỉ cần mở ruộng cho nước lũ vào, sau 2-3 tháng thu hàng chục thậm chí hàng trăm tấn cá, cua, tép…tự nhiên.
Để giúp người dân vùng lũ đầu nguồn tăng thêm thu nhập, Phòng Kinh tế TP Hồng Ngự quy hoạch 480ha đất, vận động người dân trồng 2 vụ lúa, sau đó mở bờ bao cho nước lũ vào thực hiện mô hình nuôi thủy sản cộng đồng.
Nếu thực hiện thành công mô hình này, người dân vừa cho đất nghỉ ngơi, vừa có nguồn thu đáng kể từ cá đồng. Ngoài ra, mô hình còn góp phần làm nguồn lợi thủy sản nước ngọt vùng đồng bằng sông Cửu Long thêm trù phú trong thời gian tới.