Chàng trai khởi nghiệp từ 2 giống cây lạ tại vùng núi Quảng Trị
Nho và dâu tây có thể đã quen thuộc ở nhiều nơi, nhưng với Quảng Trị thì hơi “lạ” vì trước nay chưa mấy ai trồng. Vậy nhưng, một 9X ở vùng cao Hướng Hóa lại vẫn muốn khởi nghiệp từ 2 giống cây lạ này.
- Ô tô điện nhẹ nhất thế giới vừa được startup Ấn Độ cho ra mắt
- Ông chủ chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam đã khởi nghiệp như thế nào?
- Những ý tưởng khởi nghiệp lĩnh vực nội thất cho người có đam mê
Học xây dựng, khởi nghiệp từ 2 giống cây lạ
Khi vừa rời Trường Đại học Xây dựng Đà Nẵng, Phan Tại Long (năm nay 30 tuổi, thôn Hiệp Hòa, xã Tân Liên, H.Hướng Hóa) đã rẽ hướng, khởi nghiệp bằng nghề nông. Giai đoạn 2010 – 2014. khi còn là sinh viên, Long đã có đam mê với cây cối và còn tìm hiểu trồng các loại cây mà vùng quê mình chưa có.
Nhận thấy vùng núi Hướng Hóa có khí hậu khá tương đồng với các vùng Tây Bắc, Tây nguyên nhưng lại rất khó trong việc trồng các loại cây như nho, dâumsầu riêng…, Long vẫn quyết tâm tìm cách mang chúng về trồng trên quê hương mình. Ban đầu, Long thử nghiệm với cây sầu riêng nhưng thất bại khi mưa bão liên tục xảy ra.
Long chia sẻ: “Những loại trái cây như sầu riêng Đắk Lắk, dâu Đà Lạt, dâu Sơn La đều đã có thương hiệu từ lâu. Tuy nhiên, vùng núi Quảng Trị có khí hậu, thổ nhưỡng khá tương đồng với những địa điểm trên, lại chưa một ai trồng thành công. Đó là lý do để tôi quyết tâm trồng bằng được”.
Đầu năm 2020, được sự giới thiệu của người chú Trần Vĩnh Thăng (làm việc tại miền Bắc, có chung đam mê trồng trọt), Long được chỉ dẫn ra tỉnh Bắc Giang tham gia lớp tập huấn riêng về nho Hạ Đen và dâu tây giống Mộc Châu – Sơn La. Trong đó, nho Hạ Đen là giống nho được Trường đại học Nông lâm Bắc Giang kết hợp với Đại học Quảng Tây (Trung Quốc) lai tạo ra.
Long nói: “Tôi tìm cách để trồng được kết hợp 2 loại cây, sau thời gian vắt óc nghiên cứu, nhận thấy Hướng Hóa là khu vực mùa hè ảnh hưởng của gió Lào nên rất nóng. Khi đến mùa đông, vốn là địa hình của vùng cao cũng rất lạnh nên đã kết hợp trồng dâu tây ngay dưới tán cây nho”.
Với cách kết hợp trên, Long cho biết mỗi khi mùa nắng nóng nho sẽ phát triển tốt, tạo bóng râm che cho cây dâu dễ héo khi gặp nắng. Khi đến mùa đông, cây nho có đặc tính ngủ đông, lá cây khô lại tạo môi trường thoáng, đón nắng cho dâu phát triển.
Bên cạnh việc trồng kết hợp, Long còn tận dụng loại phân có nguồn gốc từ vỏ cam, quýt , bã cà phê,… từ quán cà phê của vợ mình, chị Võ Thị Hoàng.
Đến nay, khu vườn 2.000 m2 trồng dâu nho kết hợp và cách tận dụng phân thông minh đã mang lại thành công bước đầu cho Long. Với tên gọi Ruby Farm, thương hiệu dâu và nho của anh đã thu hút được thị trường trong tỉnh và các địa phương lân cận.
Với giá bán 180.000 đồng/kg nho và 250.000 đồng/kg dâu tây, trong mùa vụ đầu tiên Long ước tính thu về gần 90 triệu đồng. Hiện nông trại của Long vừa xuất bán xong vụ dâu thứ 2 và đang bắt đầu xuất bán vụ nho đầu tiên. Theo Long, khi đã trồng được cây cho ra trái, phát triển tốt chắc chắn doanh thu các vụ sau sẽ còn tăng lên.
Ông Trần Vĩnh Thăng chia sẻ, khi nhận thấy Long có niềm đam mê với nông nghiệp, nhất là loại cây ăn trái như dâu, nho…, ông đã dốc sức hỗ trợ. Ông nói: “Hai chú cháu cùng nhau tìm cách mang những thứ trái cây này về trồng trên quê hương Hướng Hóa, đến nay đã bước đầu thành công trong hành trình khởi nghiệ của Long”.
Nguồn thanhnien