Khởi Nghiệp | StartupÝ tưởng Khởi Nghiệp

Startup hỏi – đáp GotIt!: Gia sư từ Thung lũng Silicon

Một học sinh cần được trợ giúp để giải đề toán vào lúc…12 giờ đêm! Không dễ để hỏi trực tiếp thầy cô hay bạn bè. Google hay các trang cộng đồng hỏi đáp cũng khó đưa ra câu trả lời kịp thời. Đó là một trong những bài toán mà một mô hình startup hỏi – đáp, tìm kiếm thông tin đã giải quyết được. Mô hình này có tên GotIt!, dự án startup của tiến sĩ Trần Việt Hùng đã thành công tại thung lũng Silicon khi từng gọi vốn được 11 triệu USD.

Startup hỏi - đáp GotIt!: Gia sư từ Thung lũng Silicon
GotIt! từng leo lên vị trí thứ 2 về lượng tải xuống tại App Store của Mỹ trong mảng giáo dục.

Ngày nay, cách phổ biến để tìm kiếm kiến thức về một vấn đề bất kỳ thường là trên Google hoặc các diễn đàn hỏi đáp như Quora, Stack Exchange. Dù rất hữu ích, nhưng điều mà các công cụ này thiếu là tính tức thời, độ chính xác của câu trả lời đôi khi không đảm bảo. Nhìn ra ngách thị trường này, GotIt! đã tung ra dịch vụ hỏi đáp kiến thức bằng ứng dụng trên smartphone hoạt động 24/7 trên phạm vi toàn cầu. Mục tiêu của GotIt! là tạo được một sàn trao đổi kiến thức về tất cả các chủ đề. Sau 2 năm hoạt động, đến nay GotIt! đang tập trung vào mảng giáo dục, cụ thể là các môn toán, lý, hóa.

Mô hình GotIt! hoạt động như sau: Khi cần tìm câu trả lời cho một vấn đề nào đó, người dùng sẽ chụp hình câu hỏi và post lên GotIt!, ngay lập tức hệ thống sẽ kết nối với một chuyên gia trong lĩnh vực đó. Sau đó, người dùng và chuyên gia có 10 phút để trao đổi về vấn đề đặt ra để có được câu trả lời. Thực tế, mỗi học sinh, sinh viên khó mời được một gia sư hay chuyên gia để giảng dạy trọn một giờ vì kinh phí khá cao. GotIt! tương tự như một dịch vụ kinh tế chia sẻ khi một giờ của chuyên gia được chẻ nhỏ thành mỗi 10 phút để người dùng tiếp cận với chi phí dễ thở hơn. Khi tải xuống, GotIt! sẽ cho người dùng một thẻ để hỏi một số câu hỏi miễn phí và người dùng sẽ mua những thẻ tiếp theo để tiếp tục sử dụng dịch vụ.

Mười phút có thể uống được một ly cà phê, chơi một trò chơi. Nay các chuyên gia, giáo viên, gia sư có thể tận dụng để kiếm tiền khi rảnh rỗi thông qua GotIt!

Trên thực tế, theo thống kê của GotIt!, thời gian trung bình để giải quyết vấn đề trên GotIt! chỉ khoảng 6,5 phút. Hiện có khoảng 200.000 chuyên gia cộng tác với GotIt! ở nhiều nơi trên thế giới như Philippines, Ấn Độ, Nam Phi, Đông Âu và Mỹ…

Bí quyết thành công của GotIt! là kết hợp giữa con người và công nghệ. Tinh thần này thể hiện qua từng khâu của mô hình. Khi một câu hỏi được đưa lên hệ thống, thuật toán của GotIt! kết hợp cùng con người sẽ phân loại câu hỏi thuộc lĩnh vực nào. Sau đó hệ thống sẽ chọn chuyên gia thích hợp dựa trên xếp hạng của chuyên gia và mức đấu giá họ đưa ra để được giải câu hỏi. Các chuyên gia được xếp hạng dựa trên trình độ, kinh nghiệm, thời gian làm việc… Một chuyên gia có xếp hạng thấp thì dù mức đấu giá là 0 đồng cũng khó được chọn và ngược lại. Toàn bộ quy trình trên diễn ra dưới 10 giây.

Thị trường chính của GotIt! hiện là các nước Bắc Mỹ và châu Âu. Mô hình này đã nhận được lời mời mở rộng ngôn ngữ sang tiếng Pháp, Trung và Tây Ban Nha. Nhưng trước mắt, GotIt! chỉ tập trung thị trường những nước nói tiếng Anh vì việc mở rộng này không đơn thuần chỉ là dịch ngôn ngữ sang một thứ tiếng khác mà phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu hành vi và sở thích người tiêu dùng ở từng nơi khác nhau.Bằng cách này, trung bình mỗi chuyên gia kiếm được 3,5-4 USD/giờ, không ít người kiếm được 500 USD/tháng.

Ở Việt Nam, hiện có khoảng 150 chuyên gia cộng tác với GotIt!, đa phần là về toán – môn học thế mạnh của học sinh Việt. Tất cả chuyên gia đều phải vượt qua quá trình tuyển chọn và đào tạo của GotIt! về sản phẩm, cách tương tác với người dùng, kiến thức chuyên môn, trình độ tiếng Anh… Bởi lẽ, trong quá trình trả lời, chuyên gia phải giải thích câu hỏi rõ ràng theo từng bước nhằm hướng dẫn cho người dùng, chứ không được cung cấp đáp án ngay để tránh gian lận trong giáo dục. Các bài giải thích này sau đó được đội ngũ biên tập của GotIt! kiểm tra lại. Ba lần trả lời sai hoặc vi phạm quy định đều bị khóa tài khoản.“Nghe thì đơn giản, nhưng chỉ có 10 phút để giải bài, gõ nhập công thức toán và giảng giải chi tiết cho người dùng nên khá áp lực”, anh Hoàng Nam, một chuyên gia toán làm việc với GotIt!, chia sẻ.

Trước GotIt!, Tiến sĩ Hùng từng phát triển Tutor Universe – mô hình marketplace tìm gia sư trực tuyến. Kinh nghiệm này đã tạo nền tảng để GotIt! phát triển trên thị trường gia sư toàn cầu ước tính trị giá 102 triệu USD, vốn đã được người dùng chấp nhận trả tiền dịch vụ trước đó. “Chụp hình, post hình, chat là những hành vi quen thuộc của giới trẻ đã được Yahoo!, Facebook đào tạo thành công. GotIt! tận dụng những thói quen này nên đã được đón nhận sau khi ra mắt với tốc độ phát triển trong giai đoạn đầu là 40%”, ông Hùng cho biết.

Sau 1 năm phát triển, GotIt! từng leo lên vị trí thứ 2 về lượng tải xuống tại App Store của Mỹ trong mảng giáo dục, chỉ đứng sau iTunes U. iTunes U là một sản phẩm của Apple, do đó có thể xem GotIt! là ứng dụng đứng đầu trong mảng giáo dục do bên thứ 3 phát hành. Tuy vậy, vươn lên hàng đầu không phải là mục tiêu trên hết của GotIt! vì phải đảm bảo phát triển được cả chuyên gia và người dùng cho sự đi lên cân bằng của GotIt!

Silicon là vùng đất hứa khi có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng lắng nghe ý tưởng startup, nhưng cũng là nơi cạnh tranh khủng khiếp khi có đến hàng ngàn ý tưởng hay. Tiến sĩ Hùng thừa nhận startup Việt chưa có được vị trí ở Silicon khi chưa có nhiều tên tuổi thành danh trước đây như Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan… đã làm được, nên cũng khó có được lòng tin ban đầu của các nhà đầu tư. Mặt khác, không sinh trưởng tại Mỹ nên ông cũng đã tốn khá nhiều thời gian để trau dồi ngoại ngữ, tư duy và văn hóa bản xứ.

Không theo kiểu đầu tư an toàn như nhà đầu tư châu Á, các nhà đầu tư Silicon nổi tiếng với câu nói “Go big or go home”, sẵn sàng đầu tư cho những ý tưởng táo bạo được thị trường hứng thú, giải quyết vấn đề của người dùng, có sự khác biệt rõ nét và có thị trường đủ lớn. GotIt! đang may mắn được xem là một “Next big thing” vượt ra khỏi phạm vi giáo dục khi huy động được 11 triệu USD qua các vòng gọi vốn Angel, Seed funding và Series A từ những nhà đầu tư có tiếng. Trong đó có Capricorn Investment Group, Brad Bao, những nhà đầu tư từng rót vốn vào các dự án tiếng tăm như Tesla, SpaceX…

Ở những vòng gọi vốn đầu, GotIt! chỉ có Tiến sĩ Hùng và một vài thực tập sinh. Đến nay, bộ máy GotIt! khoảng 40 người, làm việc ở 2 văn phòng tại Mỹ và Việt Nam. Là một startup nhưng GotIt! đã gia nhập vào trận chiến nhân tài tại Silicon để thuyết phục được những nhân sự giỏi từ HP, Oracle, Google AdSense, Lyft. Văn phòng tại Mỹ phụ trách về sản phẩm, thiết kế và kiến trúc hệ thống, còn văn phòng Việt Nam chuyên xử lý dữ liệu, kỹ thuật và đang thử nghiệm vận hành hệ thống.

Mở rộng sang nhiều mảng kiến thức khác như kỹ thuật, sức khỏe, du lịch… để biến GotIt! thành một xu hướng tìm kiếm thông tin trên internet bổ sung cho Google là mục tiêu mà GotIt! hướng đến. Còn nhiều thứ mà mô hình này cần phải tập trung như mức giá, khả năng giữ chân, tương tác với người dùng… nhưng câu chuyện của GotIt! đã truyền được cảm hứng cho nhiều người muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục.

Lan Anh | Theo Nhịp Cầu Đầu Tư

DMCA.com Protection Status
Back to top button