Ý tưởng nuôi dế trong container giành quán quân nhận 15.000USD
Sau bột protein, CricketOne có ý tưởng nuôi dế trong container sản xuất nhiều chế phẩm từ dế nhằm giúp người dân giảm bớt tiêu thụ lượng thịt heo, gà...
Trong trận chiến chung kết cuộc thi Khởi nghiệp toàn cầu 2020 (Vietchallenge) top 6 startup xuất sắc lọt vào vòng chung kế được tổ chức trực tuyến hôm 11/10, CricketOne thuộc lĩnh vực khởi nghiệp nông nghiệp, 5 mô hình còn lại đều là sản phẩm công nghệ. Song vượt qua tất cả, CricketOne trở thành quán quân Vietchallenge 2020, nhận giải thưởng 15.000 USD.
Ban giám khảo là đại diện từ các quỹ đầu tư, lãnh đạo các công ty công nghệ hàng đầu thế giới đều đánh giá rất cao tính thiết thực của mô hình nuôi dế này. CricketOne không chỉ là lời giải cho bài toán thiếu lương thực trầm trọng ở nhiều quốc gia mà còn có khả năng phát triển bền vững, với lợi nhuận tăng trưởng tốt.
Founder Nguyễn Hồng Ngọc Bích, cũng là người thuyết trình tại Vietchallenge chia sẻ, năm 2016 vô tình đọc một ấn bản của FAO đề cập tới các thách thức nhân loại gặp phải khi dân số thế giới đạt 9,5 tỷ người năm 2050, điển hình là các vấn đề an ninh lương lực và đói kém. FAO đặc biệt nhấn mạnh vai trò của dế trong việc giải quyết các vấn đề lớn nhờ vào đặc tính năng suất cao, ít khí thải, chi phí đầu vào trong sản xuất thấp. “Ngay lúc đó, ý tưởng đã đến với chúng tôi”, Ngọc Bích nói.
Trước khi bắt tay vào triển khai dự án, nhóm sáng lập CricketOne đi thăm quan nhiều trại dế lớn nhỏ ở Việt Nam và đúc rút ra rằng các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, con giống đều thuận lợi để phát triển ngành dế – một ngành công nghiệp xanh của tương lai. Dế giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là hàm lượng protein cao, cung cấp tất cả các amino axit thiết yếu, ít chất béo và đặc biệt là không chứa thuốc trừ sâu hay dư lượng kháng sinh.
Những thử thách đầu tiên đến với CricketOne khi mọi thứ đều thiếu thốn, đặc biệt là thiếu kiến thức,và nguồn kinh phí. Năm 2017 dự án nuôi dế bắt đầu nhận được sự chú ý của nhiều quỹ đầu tư và doanh nghiệp. Cricket One được rót đợt vốn đầu tiên. Bài toán còn lại chỉ là lựa chọn nông dân đồng hành, Ngọc Bích đặc biệt quan tâm đến những kỹ sư trẻ vừa tốt nghiệp đại học mong muốn trở về quê hương xây dựng sự nghiệp.
Không chỉ sản xuất nguồn dế thương phẩm, CricketOne chủ động tham gia vào nhiều khâu trong chuỗi cung ứng để tối ưu hóa năng suất, giá thành và các sản phẩm giá trị gia tăng từ dế. Hệ thống và quy trình nuôi dế, từ thiết kế chuồng trại đến ứng dụng các thiết bị thông minh được đầu tư đồng bộ để đảm bảo dế có tỉ lệ sống cao, cho năng suất tốt.
Startup cũng phối hợp chặt chẽ với các trường đại học để phát triển chương trình thức ăn chuyên biệt cho dế mà nguyên liệu từ phụ phẩm nông nghiệp. Với người nông dân trực tiếp nuôi dế, CricketOne hỗ trợ đào tạo, kỹ thuật, cung cấp vật tư chính, con giống và quan trọng nhất là đảm bảo đầu ra để chuỗi sản xuất thông suốt.
Cricket One sử dụng các container cũ cách nhiệt và chia thành những ô nhỏ nuôi dế. Hệ thống trang bị các cảm biến giám sát nhiệt độ, độ ẩm thông qua Internet, và tự động điều khiển các thiết bị thông gió, đèn hồng ngoại sưởi ấm nhằm cho sản lượng 22 triệu dế mỗi tháng, tương đương 45 tỷ doanh thu trong cùng một thời gian. Với gần 30 nông dân tham gia sản xuất, dế của doanh nghiệp xuất khẩu tới 12 quốc gia.
Bột protein từ dế là sản phẩm đầu tiên và chủ yếu tại Cricket One. Sản phẩm được ứng dụng vào nhiều mặt hàng như một nguyên liệu thực phẩm bổ sung đạm, cung ứng sản phẩm cho các công ty thực phẩm chuyên về Energy bar (thanh năng lượng), mì pasta, mì Nhật, burger hay các công ty làm xúc xích.
“Sứ mệnh chúng tôi là sản xuất protein bền vững với giá cả phải chăng thông qua việc hợp tác với người nông dân. Kỳ vọng trong một tương lai gần sẽ có nhiều người tiêu dùng được tiếp cận các sản phẩm từ dế, phần nào thay thế thịt heo hay thịt gà”, Nguyễn Hồng Ngọc Bích chia sẻ trong một cuộc thi khởi nghiệp năm 2019.
Nguồn vnexpress