Câu chuyện khởi nghiệpKhởi Nghiệp | Startup

9x vùng biên khởi nghiệp trồng ớt xuất khẩu, sau nhiều lần khởi nghiệp thất bại

Lỗ gần 1 tỷ đồng sau khi khởi nghiệp mô hình trồng ớt xuất khẩu, chị Nguyễn Thị Cao Thi vẫn kiên trì theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp trên quê hương.

9x vùng biên khởi nghiệp trồng ớt xuất khẩu, sau nhiều lần khởi nghiệp thất bại

Những ngày này, chị Nguyễn Thị Cao Thi (1995, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) khá bận rộn với công việc thu hoạch vườn ớt đang chín đỏ rực. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông, chị Thi hiểu được nỗi vất vả của người nông dân nên luôn mong muốn tìm hướng canh tác hiện đại cho thu nhập cao. Sau khi tốt nghiệp tại trường Đại học Đà Lạt, chuyên ngành Nông học, chị Thi đầu quân cho 1 công ty chuyên về thực phẩm sạch.

Năm 2019, nhận thấy thị trường trong và ngoài nước đang có nhiều doanh nghiệp cần nhập ớt cay làm nguyên liệu chế biến tương và sản xuất dược liệu, chị quyết định nghỉ việc, về quê lập nghiệp.

Chị vay vốn ngân hàng, người thân, cùng với nhóm bạn thực hiện mô hình trồng ớt an toàn xuất khẩu. Để ớt có chất lượng tốt, chị đã nhập các giống có nguồn gốc rõ ràng, đầu tư hệ thống tưới tiêu, chọn thời điểm thích hợp để gieo giống, chăm sóc cây.

Nhờ những kinh nghiệm tích lũy được từ trên ghế nhà trường và thời gian đi làm trước đó của chị đã giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Sau nhiều tháng, mô hình trồng ớt xuất khẩu an toàn của chị đã đơm hoa kết trái. Tuy nhiên, đến ngày hái thành quả thì dịch Covid-19 bùng phát.

Chị Cao Thi chia sẻ: “Đợt dịch tháng 7/2021, TP. Buôn Ma Thuột áp dụng Chỉ thị 16, vườn của mình nằm gần doanh trại quân đội nên người dân không được phép vào trong. Mình đành bất lực nhìn thành quả bao lâu nay mất dần. Lần đó mình mất trắng và mang khoản nợ 1 tỷ đồng”.

mô hình trồng ớt canh tác hiện đại

Sau lần đó, chị Thi về huyện Buôn Đôn gây dựng lại sự nghiệp trồng nông nghiệp sạch thì gia đình phản đối vì ba mẹ đều làm nông dân nên hiểu rất rõ, nhiều khó khăn về kỹ thuật nguồn nước, sâu bệnh, vất vả nhưng thu nhập không đáng là bao.

Nhờ kiên trì chịu khó và được sự ủng hộ hết mình từ chồng, mô hình sản xuất ớt an toàn chất lượng cao của chị Thi đã chứng minh được cho ba mẹ rằng có thể làm giàu từ nông nghiệp và đang đem lại cho gia đình chị thu nhập ổn định. Ngoài ra, chị cũng trồng thêm các loại cây ăn quả, chăn nuôi để tăng thêm thu nhập; đồng thời thành lập trang trại chuyên buôn bán sản phẩm nông sản sạch và ớt an toàn, tạo công việc làm cho người dân trong khu vực.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Cao Thi còn là thành viên của CLB Khởi nghiệp Buôn Đôn. Đặc biệt, trong 2 đợt giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 vừa qua, chị tặng những sản phẩm do chính mình làm ra và giúp đỡ các hoạt động bếp ăn tình nguyện, chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Ngoài mô hình trồng ớt công nghệ cao, chị Thi đang đang ấp ủ mở rộng mô hình trồng thêm nhiều loại nông sản sạch an toàn, phát triển thành một khu trang trại lớn phục vụ du lịch nông nghiệp, vừa phát triển nông nghiệp địa phương vừa mang lại thu nhập cho người dân trên địa bàn.

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button