Câu chuyện khởi nghiệpKhởi Nghiệp | Startup

Khởi nghiệp trồng bưởi hữu cơ thu 5 tỷ mỗi năm nhờ 3.000 gốc

Khởi nghiệp trồng bưởi hữu cơ với gần 3.000 gốc bưởi Diễn, trang trại của anh Nguyễn Xuân Khải mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 250 tấn bưởi, thu về 4 tỷ đồng – 5 tỷ đồng.

Khởi nghiệp trồng bưởi hữu cơ biến vùng đất khô cằn thành đất vàng

Khởi nghiệp trồng bưởi hữu cơ thu 5 tỷ mỗi năm nhờ 3.000 gốc

Thôn Xuân Thái, xã Yên Thọ, huyện Yên Định ( tỉnh Thanh Hóa) là trước đây là vùng đất cằn, khó canh tác, nhưng anh Nguyễn Xuân Khải đã mạnh dạn biến vùng đất khô cằn này thành trang trại bưởi hữu cơ cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Anh Khải cho biết, trong năm 2004, anh đã trồng thử nghiệm khởi nghiệp trồng 100 gốc bưởi đầu tiên. Sau 3 – 4 năm, anh phát hiện mảnh đất cằn cỗi quê mình thích hợp với cây bưởi, anh mới bắt đầu bỏ công sức đầu tư trên diện tích gần 10 ha đất khai hoang.

Ban đầu cũng như nhiều hộ dân khác, anh Khải sử dụng nhiều loại phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ trong quá trình canh tác. Trung bình mỗi năm, gia đình anh bỏ hàng trăm triệu đồng cho thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu… nhưng cây vẫn bị sâu bệnh.

Đến năm 2017, với mong muốn tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, từ những gốc bưởi đã trồng trước đó, anh Khải mạnh dạn chuyển hướng sang chăm bón bưởi Diễn theo mô hình canh tác hữu cơ/organic, trên diện tích 7 ha.

Nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cây, tăng chất lượng cho trái bưởi cũng như cải tạo, phục hồi đất sau nhiều năm chịu tác động từ việc sử dụng phân hóa học, anh Khải đã tìm hiểu và sử dụng phương pháp thủy phân, ngâm ủ cá, đầu tôm/moi biển, tảo biển trong thời gian từ 30 – 45 ngày, sau đó tưới cho cây.

Ngoài ra, anh còn sử dụng sản phẩm phân bón lá sinh học được chiết xuất từ tảo biển nhập khẩu từ Mỹ để phun qua lá, có tác dụng làm trẻ hóa cây, bổ sung diệp lục, giúp cho cây khỏe, dưỡng lộc, có thể ức chế một số loại rệp và sâu đục thân.

Để phòng trừ sâu bệnh mà không dùng đến thuốc bảo vệ thực vật, anh Khải dùng các loại bẫy để bắt côn trùng. Bên cạnh đó anh nuôi kiến vàng bởi loại côn trùng này sẽ bắt, ăn thịt tất cả các loại sâu, nhện, xua đuổi các loại côn trùng gây hại có cánh và phát ra mùi làm cho côn trùng sợ không dám lại gần.

Thực tế cho thấy, những vườn cây ăn quả được nuôi kiến vàng thì mật độ sâu hại giảm, quả trở nên bóng và đẹp hơn.

Anh Khải cho biết: “Từ khi chuyển đổi sang làm hữu cơ, tôi thấy đất đai phục hồi rất nhanh, môi trường quanh vườn trở nên trong sạch, sức khỏe của gia đình cũng được cải thiện rõ rệt. Không những vậy, chất lượng quả cũng hơn hẳn”.

Thành quá luôn đến với những người biết nổ lực

Bưởi hữu cơ xuất ra thị trường 250 tấn mỗi năm

Sau 4 năm chăm sóc bưởi theo phương pháp hữu cơ, đến nay vườn bưởi của gia đình anh Khải không cần phải xới xáo đất, không phải bón vôi gốc cây, nền đất tơi xốp, thơm ngon, giàu dinh dưỡng, cho ra sản phẩm chất lượng, ngọt đậm, vàng ươm.

Hiện trang trại của gia đình anh Khải có gần 3.000 gốc bưởi Diễn có độ tuổi từ 10 – 14 năm tuổi, tán rộng trên 6 mét và được chăm sóc 100% hữu cơ sinh học. Bình quân mỗi năm, cho thu hoạch khoảng 250 tấn quả. Do sản xuất bằng phương pháp hữu cơ, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo nên bưởi của trang trại dễ tiêu thụ, được giá tốt, từ 15.000 đồng – 40.000 đồng/quả; đạt doanh thu khoảng 4 tỷ – 5 tỷ đồng/năm.

Trang trại khởi nghiệp bưởi hữu cơ còn tạo việc làm thường xuyên cho 8 – 10 lao động tại địa phương với thu nhập trung bình từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng; tạo điều kiện cho hàng chục lao động thời vụ tại địa phương với thu nhập 200.000 đồng/người/ngày.

Đặc biệt, rất nhiều lao động là người già, người neo đơn, gia đình có hoàn cảnh khó khăn đều được anh Khải nhận vào làm việc.

Hiện, bưởi Diễn của gia đình anh Khải đã được đưa đi tiêu thụ ở nhiều địa phương trong cả nước như Hà Nội,  Đà Nẵng, Hải Phòng, Khánh Hòa, TP.HCM,…

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Yên Định, hiện trên địa bàn huyện Yên Định có hơn 200 ha trồng cây bưởi Diễn. Trong đó, có 120 ha được trồng theo hướng VietGAP. Riêng gia đình anh Nguyễn Xuân Khải là trang trại đầu tiên tại Thanh Hóa đi theo hướng sản xuất hữu cơ đã giúp nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế của cây bưởi Diễn.

Ông Hiếu cho biết: “Đây là mô hình điểm của huyện Yên Định nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung, tạo động lực khuyến khích các hộ trồng bưởi và các loại cây ăn quả áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ vào sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng”.

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button