Câu chuyện khởi nghiệpKhởi Nghiệp | Startup

Khi “đói” vốn Startup làm sao để sống sót?

Trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang diễn ra hầu hết các startup đều đang phải gồng mình để điều chỉnh nguồn cơ cấu nhân sự, tài chính, chuyển đổi sang mô hình phục vụ trực tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Khi “đói” vốn Startup làm sao để sống sót

Covid-19 bùng phát đúng lúc làn sóng khởi nghiệp ở Việt Nam và thế giới đang sôi nổi, nhất là trong lĩnh vực sáng tạo, khoa học công nghệ. Hàng loạt sự kiện, hội thảo lớn về công nghệ… đều phải tạm hoãn hoặc chuyển sang online. Đằng sau đó là dấu hiệu của sự suy giảm lượng vốn đầu tư.

Câu hỏi được đặt ra là, nếu không có những nguồn vốn này, liệu startup có đủ sức để đi tiếp?

Theo chuyên gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam ông Nguyễn Đặng Tuấn Minh chia sẻ, số lượng startup Việt nhận vốn ngoại hiện không quá lớn, chủ yếu trong nhóm fintech, số còn lại vẫn đang ở giai đoạn sử dụng vốn tự thân.

Việc sụt giảm đầu tư đang là tình hình chung của thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Rất nhiều chuyên gia đã cảnh báo từ trước rằng, nếu muốn sống sót, startup phải có kế hoạch tài chính cho 12 – 18 tháng tiếp theo, do vốn mạo hiểm đang có xu hướng giảm.

Thời gian tới, các quỹ cũng sẽ tìm cách tái cơ cấu các hạng mục đầu tư, chuyển sang những đối tượng sinh lời nhiều hơn. Chắc chắn, sẽ có một số startup hưởng lợi, nhưng không phải tất cả.

Giới chuyên gia cho rằng, thời điểm này rất phù hợp để phát triển thị trường vốn trong nước. Các nhà đầu tư thiên thần ở trong nước sẽ có động thái mạnh hơn, giúp các startup Việt ít phải lệ thuộc vào dòng vốn bên ngoài.

Sự xuất hiện của Covid-19 khiến cả thế giới phải đối mặt với những vấn đề giống nhau. Các startup Việt Nam có thể vươn ra khu vực, thậm chí vươn ra thế giới nhanh chóng nếu kịp thời nắm bắt và giải quyết các vấn đề chung mang tính toàn cầu.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, bên cạnh việc chủ động kế hoạch ứng phó với đại dịch, tận dụng tư vấn từ các nhà đầu tư, cổ đông startup cần có các nguồn lực hỗ trợ tích cực khác. Với các startup đang ở giai đoạn đầu phát triển, việc định hình lại chiến lược, mô hình kinh doanh, xây dựng đội ngũ trong thời gian này là rất quan trọng.

Dưới tác động của đại dịch, các start-up trong lĩnh vực truyền thống sử dụng công nghệ thông tin, vận hành theo mô hình O2O (online to offline) như dịch vụ bán hàng, tuyển dụng nhân sự thời vụ, nền tảng du lịch, dịch vụ ăn uống, dịch vụ giáo dục theo mô hình offline, dịch vụ làm đẹp… chịu ảnh hưởng đáng kể nhất.

Trong khi đó, các startup công nghệ triển khai trên điện toán đám mây, cung cấp các nền tảng giao tiếp trực tuyến, dịch vụ thiết yếu như dịch vụ giao thực phẩm đến tay người dùng, tư vấn sức khoẻ trực tuyến,… lại thu hút sự quan tâm.

Sau cuộc khủng hoảng bong bóng dotcom (năm 2000), các startup công nghệ lần đầu tiên gặp phải khủng hoảng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử với quy mô toàn cầu, nên hầu như chưa hề chuẩn bị kế hoạch đối phó rủi ro.

Điều mấu chốt tại thời điểm hiện tại là điều chỉnh lại cơ cấu nhân sự, đưa ra các phương án đối phó phù hợp. Mục tiêu tối quan trọng là sống sót qua dịch. Mọi hoạt động cung cấp dịch vụ cần được cân nhắc để chuyển đổi trên nền tảng online, tự động hóa, số hoá. Đây cũng là cơ hội để tối ưu hóa chức năng cho các sản phẩm dịch vụ nhằm mang lại giá trị thực cho khách hàng trong đại dịch cũng như sau khi khủng hoảng đã đi qua.

Trải qua hơn 2 năm đối mặt với đại dịch, có thể thấy, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều có thể đóng góp cho xã hội, đều có cơ hội và không nhất thiết phải cạnh tranh nếu tìm ra được hướng đi riêng. Riêng việc đối mặt với thiếu vốn và tiền mặt thì cách tốt nhất vẫn là cắt giảm chi phí và tiếp tục tìm kiếm những cơ hội để khai thác thế mạnh của mình nhằm tối ưu hóa dòng tiền.

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button