Câu chuyện khởi nghiệpKhởi Nghiệp | Startup

Khởi nghiệp phân trùn quế hữu cơ từ phế phẩm bỏ đi

Khởi nghiệp phân trùn từ nguồn phế phụ phẩm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL đang được quan tâm tận dụng, nhất là sản xuất phân bón hữu cơ, tuy nhiên tiềm năng vẫn còn lớn.

Khởi nghiệp phân trùn quế hữu cơ hái ra tiền

Khởi nghiệp phân trùn quế hữu cơ từ phế phẩm bỏ đi

Việt Nam là một trong những quốc gia có vị thế về lĩnh vực nông nghiệp. Tại ĐBSCL, thế mạnh của vùng là cây lúa (khoảng 1,6 triệu ha), thuỷ sản (trên 900 nghìn ha diện tích nuôi trồng) và cây ăn quả (trên 360 nghìn ha). Bên cạnh đó, lĩnh vực chăn nuôi động vật trên cạn cũng đang phát triển mạnh với các vật nuôi như gia cầm, heo, dê, bò… Do đó, nguồn phụ phẩm, phế phẩm, chất thải trong sản xuất nông nghiệp rất lớn.

Thời gian qua, bằng nhiều biện pháp tận dụng, tái chế, chế biến thành sản phẩm mang lại giá trị nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng này. Đánh giá của TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc nhà vi sinh vật học, Phó trưởng Bộ môn Nông học – Viện Cây ăn quả miền Nam cho thấy, “trên lĩnh vực thuỷ sản, vỏ tôm, vỏ cua chính là nguồn chiết xuất Chitosan rất lớn.

Chitosan bên thuỷ sản đưa vào sử dụng ở lĩnh vực trồng trọt thì rất hiệu quả. Thí dụ tôm xuất khẩu sẽ được lột bỏ vỏ để xuất khẩu thì chỉ cần phơi khô, sấy khô phần vỏ, sau đó, nghiền nhuyễn ra là có thể trở thành nguồn nguyên liệu quý giá để sản xuất phân bón phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học”.

Theo TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc, khi vỏ tôm, cua được nghiền chiết xuất ra Chitosan, đây sẽ là chất có chức năng như phân bón, thuốc trừ sâu sinh học, thuốc trừ nấm sinh học. Thậm chí, nó có chức năng diệt tuyến trùng trong đất. Hiện nay, hoạt chất này tuy rất hiệu quả nhưng chưa được tận dụng hết.

Nhà vi sinh vật học – TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc chia sẻ: “Khi chúng ta sử dụng dinh dưỡng từ hạt, trái cây thì chúng ta trả lại phần không dùng đến cho đất, giúp bề mặt đất bền vững. Cơ chế mà chúng ta làm là phải nghiền nhuyễn ra để mau phân huỷ. Sau đó, ủ với men vi sinh để biến nó thành một sản phẩm đạt tiêu chuẩn sử dụng trong nông nghiệp”

Vỏ xoài thành phân hữu cơ sinh học

Khởi nghiệp phân trùn quế hữu cơ từ phế phẩm bỏ đi

Tại Nhà máy chế biến nông sản Cát Tường (xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), ông Đoàn Văn Sang – Tổng Giám đốc nhà máy chia sẻ, chế biến trái cây, trong hoạt động sơ chế, những phế phẩm như vỏ xoài, vỏ sầu riêng, thanh long hỏng… khiến công ty mất nhiều tiền để xử lý vì xem chúng như là một loại rác thải.

Từ khi được Viện Cây ăn quả miền Nam chia sẻ quy trình ủ phân hữu cơ sinh học từ các loại phế thải này, doanh nghiệp mừng như như nhặt được vàng. Bởi công ty không mất nhiều tiền để xử lý rác thải, xử lý được vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn có được nguồn phân bón quý giá để bón cho hơn 100ha cây thanh long và các loại rau quả thuỷ canh. Hiện công ty đã ủ và xử lý thành công khoảng hơn 100 tấn vỏ xoài thành phân hữu cơ sinh học, rất hiệu quả.

“Tôi thấy quy trình này tận dụng được các chất thải hữu cơ, vừa xử lý ô nhiễm môi trường hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất . Ban đầu, một vài ngày chưa xử lý kịp nên phát sinh một vài sự cố khiến bà con xung quanh hơi phiền hà. Tuy nhiên, được sự giải thích của các nhà khoa học nên ngành chức năng và bà con đã hiểu được những chất hữu cơ này không nguy hại mà còn là nguồn tài nguyên phân bón rất tốt.

Một vài ngày đầu có vẻ có mùi hôi. Tuy nhiên, quá trình hoạt động của các vi sinh vật sẽ phân huỷ chúng thành chất hữu cơ, trả về mùi thơm tự nhiên. Về phía doanh nghiệp chúng tôi rất ủng hộ và thực hành tốt quy tình xử lý chất thải hữu cơ và tận dụng chúng như thế này”: Ông Đoàn Văn Sang chia sẻ.

Không chỉ công ty Cát Tường thực hành ủ phân hữu cơ sinh học từ vỏ xoài mà một doanh nghiệp khác cũng trong lĩnh vực chế biến xoài xuất khẩu ở tỉnh Đồng Tháp cũng đang áp dụng quy trình công nghệ được chuyển giao từ Viện Cây ăn quả miền Nam. Đại diện doanh nghiệp này cũng khẳng định rất hiệu quả vì không mất chi phí chở đi xử lý ở các bãi rác.

Biến phân bò thành phân trùn quế

Công ty cổ phần Trang Trại Sạch (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), thời gian qua đã khởi nghiệp thành công từ mô hình biến phân bò thành phân trùn quế, đất sạch có giá trị gấp hàng chục lần. Anh Nguyễn Công Vinh, giám đốc doanh nghiệp, một kỹ sư ngành công nghệ thông tin nhưng đam mê làm nông nghiệp sạch. Cách đây mấy năm, anh trở về quê mở trang trại làm nông nghiệp sạch.

Theo anh Vinh, cái sạch đầu tiên anh muốn làm đó là xử lý những chất thải nông nghiệp, biến nó thành sản phẩm có giá trị và giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường nông thôn do hoạt động chăn nuôi. Thế là anh học tập kỹ thuật nuôi trùn quế, nhờ con trùn xử lý chất thải hữu cơ thành phân bón có giá trị dinh dưỡng.

Quy trình của anh Vinh là sử dụng các chất thải như phân bò, phân gà, phân heo, rau củ hư hỏng… xử lý qua công nghệ Lignin. Bằng công nghệ này, anh thu được đạm thực vật. Sau đó, dùng chúng kết hợp với men vi sinh để nuôi trùn quế. Sản phẩm đầu ra của anh là phân trùn quế, trùn giống, trùn thịt và đất sạch. Đây là những mặt hàng đang có nhu cầu cao trên thị trường.

Hiện nay, trang trại của anh Vinh còn liên kết với hàng trăm nông hộ ở ĐBSCL để sản xuất phân trùn quế từ các chất thải hữu cơ, nhất là phân bò. Tại các điểm liên kết, nông dân ngoài sử dụng nguồn chất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp của gia đình còn thu mua từ các nông hộ xung quanh, góp phần giảm đáng kể ô nhiễm môi trường, nhất là những tháng mùa mưa.

Đáng chú ý, hầu hết các nông hộ thực hành nuôi trùn quế có liên kết với doanh nghiệp đều có nguồn thu nhập đáng kể ở mức khoảng 4 – 5 triệu đồng/tháng đối với diện tích khoảng 100m2.

Hiện nay, xử lý và tận dụng chất thải hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh trong hoạt động sản xuất nông nghiệp là cách khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này. Đây là cách làm giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng sản xuất, nhất là các chi phí về môi trường.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có được một lượng phân bón khá lớn có thể dùng tái đầu tư sản xuất hoặc bán thu hồi chi phí. Do đó, những công nghệ xử lý chất thải nông nghiệp đang được quan tâm, tận dụng triệt để.

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button