Câu chuyện khởi nghiệpKhởi Nghiệp | Startup

Nỗ lực bứt phá của các nhà khởi nghiệp trẻ Việt vượt qua giai đoạn đại dịch

Bất chấp đại dịch Covid-19, các nhà khởi nghiệp trẻ Việt Nam đã cho thấy nỗ lực thay đổi để thích ứng của mình để vươn lên và vươn xa.

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho không ít các công ty khởi nghiệp trên khắp thế giới nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng gặp không ít các khó khăn phải tạm dừng và không có hi vọng huy động được thêm vốn đầu tư trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh khó khăn này, nhiều nhà khởi nghiệp trẻ Việt lại có hoạt động hiệu quả và tăng trưởng mạnh mẽ.

Nhà khởi nghiệp trẻ Việt tìm thấy cơ hội ngay trong đại dịch

Nỗ lực bứt phá của các nhà khởi nghiệp trẻ Việt

Khi dịch Covid-19 xuất hiện, việc dạy và học online trở nên phổ biến khắp thế giới. Tại Việt Nam, một nhà khởi nghiệp đã nhanh chóng cho ra đời nền tảng Clevai. Đây là nền tảng Việt ứng dụng trên trí tuệ nhân tạo trong việc dạy học chương trình phổ thông online. Tháng 9-2021, startup này nhận 2,1 triệu USD từ quỹ đầu tư có trụ sở tại Singapore.

Trần Mạnh Thắng và hai đồng sáng lập khác đã thành lập Clevai vào tháng 3-2020 bởi . Sản phẩm tiêu biểu là Clevai Math, cung cấp các lớp học toán trực tuyến với giáo viên từ các trường học hàng đầu tại Việt Nam.

Đặc biệt, nền tảng ứng dụng AI để giúp học sinh làm các bài tập bổ sung và thực hành. Hệ thống có khả năng phân tích lịch sử học tập của từng học sinh, từ đó cung cấp trải nghiệm học tập, tài nguyên học, lộ trình tuỳ chỉnh theo cá nhân, phản hồi kịp thời để đảm bảo sự tiến bộ.

CEO Clevai nói: “Năm 2021 là một năm thành công của chúng tôi khi gọi được vốn đầu tư của một quỹ khá lớn. Họ đánh giá cao sản phẩm và định hướng phát triển của Clevai. Trong 5 năm tới, công ty dự kiến mở rộng ra Đông Nam Á và trở thành Top 5 hệ sinh thái đào tạo trực tuyến tại khu vực với sứ mệnh giúp 22 triệu học sinh tư duy tốt hơn”.

Startup công nghệ FoodHub cung cấp giải pháp thương mại điện tử dành cho thực phẩm sạch được sáng lập bởi Nguyễn Xuân Vinh cũng ghi dấu ấn ngay trong đại dịch. Ứng dụng FoodHub giúp kết nối người tiêu dùng và nhà cung cấp thực phẩm sạch (các siêu thị, cửa hàng, trang trại). Người mua chỉ cần lên ứng dụng, đặt mua sản phẩm mình cần và chỉ sau 2 giờ, sản phẩm sẽ được giao tới tận nhà.

Người sáng lập FoodHub cho biết nếu như trước dịch, ứng dụng này chỉ có 18.000 lượt người dùng, thì chỉ sau 2 tuần giãn cách xã hội, lượng người dùng ứng dụng đã tăng thêm 7.000 người tốc độ tăng trưởng chưa từng có trước đây. Còn hiện nay, tốc độ tăng trưởng luôn ở mức trên 300%. Thậm chí có những thời điểm, FoodHub lọt top 10 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên các kho ứng dụng.

Tuy vậy, như chia sẻ của người sáng lập FoodHub, tăng trưởng nóng chưa bao giờ là tôn chỉ của startup này. Chậm, chắc, chất lượng trên từng đơn hàng, giữ chân được người dùng lâu dài mới là tôn chỉ lớn nhất!

Vinh cho biết: “Đại dịch đã gây nên nhiều tổn thất cho tất cả chúng ta. Tuy nhiên, doanh nghiệp khởi nghiệp như FoodHub đã tìm thấy cơ hội ngay trong đại dịch và nỗ lực của chúng tôi đã được đền đáp. Lượng người dùng tăng trưởng có lúc lên đến 400% đã cho thấy người tiêu dùng có xu hướng chọn thực phẩm sạch, an toàn để đảm bảo sức khoẻ, vượt qua dịch bệnh”.

Startup Việt năng động thay đổi để thích ứng

Nỗ lực bứt phá của các nhà khởi nghiệp trẻ Việt vượt qua giai đoạn đại dịch

Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures của Singapore nhận định Việt Nam là “ngôi sao đang lên” của khu vực và sẽ trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 3 ở Đông Nam Á vào năm 2022 với việc nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực cam kết rót vốn đầu tư giai đoạn đầu vào các công ty khởi nghiệp tại đây.

Trong khi đó, chia sẻ tại một hội thảo quốc tế liên quan đến khởi nghiệp mới đây, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM ông Nguyễn Việt Dũng, cho biết trong 2 năm qua trải qua đại dịch với nhiều thách thức, khó khăn nhưng khởi nghiệp Việt Nam vẫn có những tín hiệu lạc quan. Chỉ trong quý IV-2021, Việt Nam thu hút hơn 2 tỉ USD đầu tư mạo hiểm, trong đó TP.HCM chiếm 60% về giá trị và 70% số thương vụ. Ông Dũng nói: “Đây là con số lớn trong bối cảnh đại dịch”.

Nhiều cuộc thi khởi nghiệp tìm kiếm các ý tưởng đổi mới sáng tạo ứng phó với Covid-19, hỗ trợ nhiều sáng kiến cho Chính phủ, cho thấy sự năng động thích ứng của các startup Việt trước dịch bệnh. Thời gian gần đây, Việt Nam được nhắc đến như trung tâm công nghệ mới của thế giới, là nơi có nhiều dự án khởi nghiệp thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trên thế giới, trong đó có những quỹ rất lớn.

Các dự án khởi nghiệp trong thời gian gần đây có tầm nhìn ra khu vực và toàn cầu, họ hiểu rằng để phát triển bền vững phải mở rộng tư duy, hoạt động. Nhiều sáng lập đã có kinh nghiệm làm việc tại các thị trường phát triển như Sky Mavis, Elsa,…

Các nhà khởi nghiệp cho rằng dịch bệnh Covid-19 đặt ra những thách thức y tế và kinh tế – xã hội chưa có tiền lệ, nên đòi hỏi chúng ta cũng phải có tư duy, cách làm và nỗ lực chưa có tiền lệ để vượt qua, phục hồi và tiếp tục phát triển.

Đại dịch Covid-19 cũng đã giúp cho hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam trưởng thành hơn, thích nghi hơn và chắc chắn sẽ đột phá hơn trong thời gian tới, bất chấp dịch bệnh.

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button