Câu chuyện khởi nghiệpKhởi Nghiệp | Startup

Sinh viên khởi nghiệp mùa dịch biến khó khăn thành động lực

Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội cũng như môi trường khởi nghiệp của giới trẻ. Nhưng vượt qua khó khăn, nhiều sinh viên khởi nghiệp mùa dịch thành công đã biến bất lợi thành cơ hội khởi nghiệp với những ý tưởng độc đáo, bắt kịp xu hướng.

Sinh viên khởi nghiệp mùa dịch Covid-19

Sinh viên khởi nghiệp mùa dịch

Đại dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều hàng quán đóng cửa. Xu hướng bán đồ ăn mang đi trở nên phổ biến nên Khúc Duy Linh – sinh viên năm hai, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) quyết định mở cửa hàng thực phẩm trực tuyến “KDL Food” chuyên bán các món ăn đặc sản ở Hải Phòng.

Ý tưởng khởi nghiệp của Linh nhận được sự ủng hộ của gia đình và bạn bè. Chàng trai trẻ hào hứng lên kế hoạch mở bán online để vừa giữ được chất lượng tốt nhất, vừa đảm bảo công tác phòng và chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, Linh gặp nhiều khó khăn, thậm chí là sự mạo hiểm. Linh chia sẻ: “Nghĩ thì đơn giản nhưng khi làm mới thấy không hề dễ dàng. Em phải làm rất nhiều công đoạn từ in bao bì, logo đại diện, lập fanpage, nghĩ nội dung lên bài hàng ngày, tìm hiểu để có thể đưa các món ăn hợp thị hiếu khách hàng”.

Trong khoảng thời gian đầu, khách hàng chủ yếu là bạn bè và những người thân trong gia đình. Chàng sinh viên trẻ tự nhận là người khá cầu toàn nên tự tay làm mọi việc, kể cả giao hàng cũng tự tay làm. Linh cho rằng chất lượng là yếu tố quyết định hàng đầu nên mỗi sản phẩm đưa đến tay khách hàng luôn được chú trọng, trau chuốt.

Nhờ chất lượng của sản phẩm cũng như dịch vụ tốt, lượng khách hàng dần được mở rộng. Bước sang đợt dịch thứ 4, các đơn hàng vẫn đều đặn, thậm chí số lượng đặt nhiều hơn trước. Thương hiệu “KDL Food” ngày càng được nhiều khách hàng biết đến. Các mặt hàng Linh cung cấp đến khách hàng gồm: Bánh mì que, dừa dầm, pate, đây đều là đặc sản của Hải Phòng, được nhiệt tình đón nhận.

Bên cạnh việc kinh doanh, câu sinh viên vẫn đảm bảo việc học tập, đồng thời tích cực tham gia công tác Đoàn, Hội ở trường. Là Bí thư Chi đoàn, Linh tích cực tổ chức nhiều hoạt động gắn kết các thành viên trong lớp như học tập truyền thống và tham quan các địa chỉ đỏ, tình nguyện vì cộng đồng, hướng đến những hoàn cảnh khó khăn.

Cùng lúc đảm nhiệm nhiều vai trò nên Linh phải trải qua một quãng thời gian vất vả để cân bằng giữa kinh doanh, học tập và các hoạt động Đoàn ở trường. Linh tâm sự: “Thời gian đầu với em rất khó khăn, loay hoay không biết phải làm việc gì trước, hoàn thành việc nào sau. Mất một thời gian, em mới có thể điều chỉnh trạng thái và phân bổ sao cho hợp lý nhất”.

Ngoài cố gắng duy trì tốt việc học tập và tham gia hoạt động Đoàn, Hội, Linh đang ấp ủ ước mơ mở rộng các mặt hàng để mang đến cho thực khách nhiều sự lựa chọn hơn. Đồng thời tranh thủ tìm hiểu, học hỏi nhiều hơn về lĩnh vực marketing và kinh doanh để có thể làm những dự án lớn hơn trong tương lai.

Chị Nguyễn Thúy Hạnh ở Cầu Giấy (Hà Nội) là khách hàng của KDL Fool cho biết rất hài lòng với các sản phẩm . Ngoài chất lượng sản phẩm, chị còn hài lòng bởi thái độ phục vụ của nhân viên, thời gian giao hàng rất nhanh.

Thầy Nguyễn Đình Định – Phó Trưởng phòng Công tác chính trị và Hỗ trợ sinh viên, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết nhà trường khuyến khích sinh viên thực hiện các dự án khởi nghiệp như vậy. Các chương trình giáo dục khởi nghiệp được sinh viên hào hứng đón nhận, nhiều em đã tự tin khởi nghiệp từ những thế mạnh của mình trong lĩnh vực báo chí truyền thông, PR.

Khó khăn tạo nên cơ hội

Sinh viên khởi nghiệp mùa dịch biến khó khăn thành động lực

Ra đời từ cuối năm 2020, dịch vụ Student’s Driver phục vụ ở các mảng chở khách, giao hàng do một nhóm sinh viên Trường Đại học An Giang sáng lập đã từng bước thích ứng với tình hình dịch bệnh như hiện nay. Với chi phí giao hàng phù hợp, trong 1 – 2 km đầu tiên mức phí 12.000 đồng, thêm 4.000 đồng cho km tiếp theo đã được nhiều người dân đón nhận.

Lê Quang Vinh – sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học An Giang – người khởi xướng mô hình chia sẻ: Ý tưởng khởi nghiệp xuất phát từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, người dân hạn chế ra đường, việc đi chợ mua hàng hay ăn uống chuyển sang đặt hàng giao tận nơi thông qua các dịch vụ giao nhận, nhanh chóng, tiện lợi.

Để mô hình kinh doanh phát triển vững chắc, nhóm đã học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, các ứng dụng hoạt động hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ như: Beamin, Grab, Loship… Nhóm còn thành lập một tổ chăm sóc khách hàng để nhận những góp ý, phản hồi để không ngừng cải thiện dịch vụ ngày một tốt hơn.

Ngoài việc in danh thiếp, các bạn sinh viên còn lập fanpage trên Facebook, Zalo như một kênh quảng bá, tiếp cận khách hàng. Với hàng nghìn lượt theo dõi, các bài đăng trên fanpage của Student’s Driver chủ yếu giới thiệu địa điểm ăn, uống ở An Giang đã giúp khách hàng có thể tìm được quán ăn ngon, chỉ cần ngồi ở nhà và lựa chọn dịch vụ giao hàng của Student’s Driver.

“Trong thời điểm dịch bệnh, ai cũng gặp khó khăn nhưng đối với ngành dịch vụ sẽ là cơ hội để phát triển. Không chỉ hoạt động ở An Giang, em còn hướng đến việc mở rộng mô hình Student’s Driver đến Cần Thơ và một số tỉnh, thành phố khác” Vinh chia sẻ.

Để mở rộng mô hình kinh doanh, nhóm đang nhờ giảng viên khoa Công nghệ thông tin của Trường Đại học An Giang thiết kế một ứng dụng mang tên Student’s Driver giúp dễ quản lý. Khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp có nhu cầu liên hệ, kết nối sẽ dễ dàng hơn, mọi hoạt động sẽ đi vào hệ thống hơn.

Chị Nguyễn Thanh Sương – người dân ở thành phố Long Xuyên, An Giang thường xuyên sử dụng các dịch vụ của Student’s Driver và cảm thấy rất hài lòng với mô hình này. Nhờ thế mạnh về công nghệ, các bạn đã đem lại cho khách hàng nhiều sự lựa chọn về đồ ăn nhanh trong mùa Covid-19 hiện nay.

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button