Doanh nghiệpGóc nhìn

Tại Việt Nam, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp thuộc nhóm cao trên thế giới

Dù nữ giới chiếm vai trò quan trọng trong lực lượng lao động nhưng trong lĩnh vực kinh tế, cơ hội của phụ nữ tiếp cận việc làm có thu nhập cao và các nguồn lực kinh tế vẫn còn thấp hơn so với nam giới.

Tại Việt Nam, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp thuộc nhóm cao trên thế giới
Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp ở Việt Nam thuộc nhóm cao trên thế giới.

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, nói về vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp ở Việt Nam đạt khoảng 26%, thuộc nhóm cao trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ Việt Nam ở mức khá cao. Năm 2017, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ Việt Nam là 71,2% (ILSSA, 2017), cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng của khu vực Đông Á-Thái Bình Dương là 61,1% và thế giới là 49,6%.

Khoảng cách tiền lương theo giới ở Việt Nam có xu hướng thu hẹp dần, khoảng cách tiền lương theo giới ở Việt Nam năm 2017 đang thấp hơn so với các nước đang phát triển và các nước phát triển.

Còn ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố ngày 2/11/2017, Việt Nam đứng thứ 69/144 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới; thuộc nhóm 10 nước trên toàn cầu triển khai tốt nhất Mục tiêu về bình đẳng giới.

Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng, trong lĩnh vực kinh tế, cơ hội của phụ nữ tiếp cận việc làm có thu nhập cao và các nguồn lực kinh tế vẫn còn thấp hơn so với nam giới.

TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI thì cho rằng, rõ ràng, thực hiện và duy trì các giá trị bình đẳng giới ở nơi làm việc không phải là những điều to lớn và khó thực thi, cũng không phải mang đến những giá trị xa vời mà tác động trực tiếp và lâu dài vào chính sự phát triển của Doanh nghiệp.

“Do đó, không cần phải chờ đến khi nào, không cần phải có đủ điều kiện gì…mà ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện và thực hiện tốt, bình đẳng giới ở nơi làm việc”, ông Lộc nói.

Đồng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, phải đặt nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong tổng thể công tác cán bộ. Trong từng cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị cần tiếp tục đổi mới công tác đánh giá cán bộ nữ theo quan điểm phát triển, chú trọng yếu tố giới.

“Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực nữ, công tác quy hoạch nguồn lãnh đạo nữ các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, cũng cần phải nâng cao nhận thức của bản thân người phụ nữ về vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội”, ông nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, một giải pháp khác được các chuyên gia đề xuất là nam giới được nghỉ chăm sóc con nhỏ dưới 6 tháng tuổi và hưởng bảo hiểm xã hội.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Luật hiện hành đã cho phép lao động nam được nghỉ việc khi vợ sinh con và được hưởng lương, chưa quy định nam giới được nghỉ chăm sóc con nhỏ dưới 6 tháng tuổi và hưởng bảo hiểm xã hội. Vì vậy, có thể quy định có thể chồng hoặc vợ được nghỉ chăm sóc con nhỏ dưới 6 tháng tuổi và hưởng bảo hiểm xã hội, đây cũng là vấn đề linh hoạt để người lao động lựa chọn vợ nghỉ hoặc chồng nghỉ chăm con cho phù hợp.

Ngoài ra, một giải pháp khác cũng được các chuyên gia nhắc đến là khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo và hỗ trợ một phần kinh phí gửi trẻ, mẫu giáo cho con của người lao động.

Về nội dung này, ông Lợi cho rằng, đây là vấn đề rất cần thiết giúp lao động nữ có điều kiện làm việc tốt hơn, bảo đảm thời gian và động lực tăng năng suất lao động, khi con cái được đến nhà trẻ, trường mẫu giáo; nếu không có điều kiện đi gửi trẻ, đi mẫu giáo thì được chủ sử dụng lao động hỗ trợ một phần kinh phí là điều rất tôt và cần thực hiện.

“Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã làm và làm rất tốt, nhưng đa số các doanh nghiệp còn khó khăn nên chưa có điều kiện thực hiện hoặc cũng có doanh nghiệp có thể có điều kiện nhưng vì lợi nhuận nên không làm. Vấn đề này cũng cần có cơ chế chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp, thiết chế của công đoàn và bản thân người lao động để hài hòa lợi ích”, ông nói.

Phương Dung – Báo Dân trí

*Xem thêm:

Đánh giá post

DMCA.com Protection Status
Back to top button