Khởi Nghiệp | StartupKiến thức khởi nghiệp

4 điều dể khiến doanh nhân khởi nghiệp mất định hướng

4 chiến lược kinh doanh thoạt nhìn thì tưởng là hay nhưng lại dễ làm cho các doanh nhân khởi nghiệp quên mất phương hướng và quên mất đâu là những việc thực sự cần làm.

4 điều dể khiến doanh nhân khởi nghiệp mất định hướng

Theo nhà tư vấn Kimanzi Constable, một trong những thuận lợi lớn nhất của doanh nhân thời đại ngày nay là khả năng tìm kiếm thông tin và lời khuyên dễ dàng qua Internet. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là độ nhiễu thông tin tăng lên theo, và không phải lời khuyên nào cũng thực sự có ích mà đôi khi còn phản tác dụng. Dưới đây là 4 lời khuyên mà Constable đánh giá là dễ làm cho doanh nhân khởi nghiệp mất định hướng và quên đi những việc thực sự cần làm.

1. Xây dựng quan hệ với lãnh đạo đầu ngành và những người có ảnh hưởng

Trong quá khứ, việc tạo dựng quan hệ với những nhân vật có nhiều ảnh hưởng là chất xúc tác để phát triển doanh nghiệp, thông qua mạng lưới xã hội và uy tín của các nhân vật đó. Ai cũng muốn có được “hiệu ứng Oprah” (đặt tên theo MC truyền hình nổi tiếng Oprah Winfrey) cho công việc kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, ngày nay luật chơi đã thay đổi. Những nhân vật có sức ảnh hưởng ngày càng trở nên bận rộn hơn vì đủ thứ email và thông báo từ mạng xã hội, cộng thêm việc phải quản lý doanh nghiệp của chính họ. Vì vậy, cơ hội để cho bạn vượt qua được hàng hàng lớp lớp công việc ấy và làm quen với họ cũng ngày càng trở nên hiếm hoi.

Ngoài ra, sự thật là bạn cũng không cần phải chạy theo những người đó, nhất là trong lúc nhiều người khác cũng đang làm như vậy. Hãy để họ bận rộn với việc làm quen, trong khi bạn cứ tập trung vào cách vận hành doanh nghiệp của mình tốt hơn. Như vậy con đường của bạn sẽ đơn giản hơn nhiều!

2. Tích lũy các chứng chỉ chuyên môn

Trong xã hội ngày nay xuất hiện đủ thứ chứng chỉ và bằng cấp, và có không ít người được cấp chứng chỉ về những thứ mà bạn chưa bao giờ nghe tới. Sự thực là chẳng mấy người hiểu được các chứng chỉ đó có ý nghĩa như thế nào.

Theo Kimanzi Constable, những chứng chỉ chuyên môn ít khi có tác dụng bên ngoài chuyên ngành của chúng, và nếu bạn đặt kỳ vọng rằng việc có được chứng chỉ nào đó sẽ giúp bạn có được những cơ hội kinh doanh lớn hơn thì bạn sẽ thất vọng. Thay vào đó, hãy xây dựng những ảnh hưởng xã hội tích cực (social proof) có tác dụng và ý nghĩa rộng hơn.

3. Phát triển lượng fan trên mạng xã hội

Mỗi ngày mở email hay xem Facebook, bạn có thể nhận được ít nhất một lời mời chào từ một dịch vụ marketing mạng xã hội nào đó. Họ sẽ nói với bạn rằng sự hiện diện của bạn trên mạng xã hội là chưa đủ lớn, và dịch vụ của họ có thể giúp bạn tăng trưởng nhanh gấp đôi.

Tuy nhiên, sự thật là mạng xã hội chỉ là một phần trong chiến lược marketing tổng thể. Việc chạy theo số lượng fan trên mạng xã hội cũng bớt đi ý nghĩa khi mà con số đó có thể mua được bằng tiền. Chuyện quan trọng cần làm chính là khiến cho các fan đó tương tác nhiều hơn với thương hiệu của bạn.

4. Luôn ở trạng thái “bận rộn”

Quản lý thời gian là một chuyện cực kỳ quan trọng. Luôn luôn có nhiều chuyện có vẻ đòi hỏi bạn phải xắn tay vào làm, nhưng thực ra lại là những việc mà bạn có thể khoán lại cho người khác và tiết kiệm những khoảng thời gian vô giá.

Khi đã làm doanh nhân, bạn phải biết cách dồn sự suy nghĩ vào các hệ thống và bức tranh toàn cảnh. Bạn không thể để bị cuốn vào những chuyện gây mất tập trung. Bạn phải xây dựng một hệ thống có thể tinh chỉnh hoạt động của doanh nghiệp và tự vận hành ngay cả khi không có sự hiện diện của bạn.

Thời gian là một nguồn tài nguyên vô giá bởi vì bạn không thể lấy lại hay mua được thời gian. Nếu bạn dành nhiều thời gian của mình để theo đuổi những chiến lược không giúp doanh nghiệp của mình phát triển, có nghĩa là bạn đang tự làm mất tiền. Hãy tập trung vào những việc mang lại lợi ích cho bạn ngay lúc này, thay vì những việc mà người khác bảo bạn nên làm.

Phan Thị / Theo Nhịp cầu đầu tư

5/5 - (1 bình chọn)

DMCA.com Protection Status
Back to top button